Tập thể dục thể thao với cường độ vừa phải hoặc cường độ cao một cách đều đặn đã được chứng minh là có thể làm giảm rõ rệt nguy cơ mắc một số bệnh nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, đái tháo đường týp 2 và loãng xương… Nhìn chung những lợi ích về sức khỏe mà mỗi người có thể đạt được nhờ việc tập thể dục phụ thuộc vào cường độ tập luyện.
Thể dục đem lại lợi ích gì?
Người ta thấy có sự khác biệt rất lớn về tỉ lệ mắc các bệnh nêu trên giữa những người hoàn toàn không tập thể dục so với những người có tập nhẹ hoặc vừa phải, có sự khác biệt nhỏ hơn giữa những người tập cường độ vừa phải với những người tập nặng. Qua các nghiên cứu trên đối tượng là nam giới, các nhà khoa học thấy nguy cơ bị tai biến mạch máu não giảm chỉ còn chưa đến 1/6 ở những người tập thể dục nặng so với những người có lối sống tĩnh tại. Còn nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 ở những người tập thể dục đều đặn ít nhất 5 lần mỗi tuần giảm chỉ còn 1 nửa so với những người chỉ tập duy nhất 1 lần mỗi tuần. Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên còn làm hạ thấp rõ rệt tỉ lệ mắc các bệnh mạch vành, bao gồm cả nhồi máu cơ tim nặng, bệnh tăng huyết áp và làm giảm nguy cơ bị xơ vữa động mạch, nhờ làm giảm mức độ rối loạn mỡ máu. Với các môn thể dục thể thao nâng, vác các vật nặng còn giúp làm tăng khối lượng bộ xương và ngăn chặn bệnh loãng xương ở phụ nữ. Một điều lý thú là những người tập thể dục thể thao lại ít bị bệnh ung thư đại tràng hơn, riêng ở phụ nữ thì cũng ít bị ung thư tử cung, ung thư buồng trứng hơn so với những người không tập.
Thể dục thể thao không chỉ mang lại lợi ích cho những người bình thường, mà còn có tác dụng rất tốt đối với nhiều người bệnh và được coi là một phương pháp chữa bệnh với tên gọi là vận động trị liệu. Ví dụ như đi bộ theo kế hoạch và có sự giám sát của thầy thuốc, có thể giúp chữa bệnh thoái hóa khớp gối nhờ làm tăng dần khả năng vận động của người bệnh và làm giảm nhu cầu dùng thuốc giảm đau. Hoạt động thể lực có thể làm giảm huyết áp một cách bền vững, rõ nhất trong trường hợp tăng huyết áp nhẹ (giảm trung bình từ 5-10mmHg). Ngoài ra, tập thể dục là cách tốt và đơn giản để duy trì cân nặng lý tưởng, mà nguy cơ bị nhồi máu cơ tim ở những người có cân nặng lý tưởng thấp hơn 35-55% so với người béo phì. Một lợi ích nữa có được từ việc tập thể dục nhưng ít được để ý đến, đó là làm giảm tỷ lệ bị trầm cảm, mang lại sự vui tươi yêu đời, tăng khả năng đáp ứng với các stress và khả năng lao động tốt hơn.
Tập thể dục có gây hại gì không?
Câu trả lời là có nhưng rất ít, tuy vậy chúng ta cần phải thận trọng vì đôi khi tai biến xảy ra trong khi tập luyện thể thao là khá nặng. Hoạt động thể lực tăng lên trong khi tập thể dục có thể đưa đến một số nguy cơ như làm khởi phát bệnh nhồi máu cơ tim cấp, hoặc làm nặng thêm cơn đau thắt ngực (do thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim), đặc biệt là những người có lối sống tĩnh tại, nhưng dường như các nguy cơ này thấp hơn nếu luyện tập thể dục thường xuyên ít nhất 5 lần/tuần. Các nguy cơ khác có thể kể là gây loạn nhịp tim, làm xuất hiện cơn hen phế quản, thậm chí có thể gây đột tử trong một số trường hợp. Ở bệnh nhân đái tháo đường có điều trị insulin, nếu tập nặng hoặc tập lâu thì phải kiểm tra đường máu để phòng trường hợp đường máu hạ quá thấp.
Có thể tập thể dục bình thường được không?
Mặc dù các chương trình giáo dục sức khỏe đã mang lại sự hiểu biết về những lợi ích của tập thể dục thể thao cho cộng đồng, nhưng theo một nghiên cứu tại Mỹ vào năm 1992, chỉ có 8% người Mỹ trưởng thành tham gia tập thể dục ở mức độ được khuyến cáo. Nguyên nhân có lẽ do nhiều người không chọn được môn thể thao phù hợp hoặc lo sợ có thể bị chấn thương. Vì vậy ngoài việc cung cấp những lời khuyên, thầy thuốc còn phải thăm khám cũng như cho thực hiện một số xét nghiệm cần thiết, nhất là các thăm dò đánh giá chức năng tim mạch để giúp người dân có thể chọn được môn thể thao phù hợp. Thông thường, đại đa số người dân có thể tập thể dục thể thao mà không cần sự giám sát của bác sĩ, nhưng riêng các bệnh nhân bị các bệnh tim mạch, cần có các nhân viên y tế theo dõi (trực tiếp hoặc gián tiếp) và giúp thiết lập kế hoạch tập luyện cũng như ngưỡng vận động an toàn. Cách kiểm tra đơn giản để xem bài tập thể dục đã đạt ngưỡng yêu cầu hay chưa là kiểm tra nhịp tim. Một số bệnh nhân không được hoặc không nên tập thể dục (do phải hạn chế mọi sự gắng sức) nếu bị suy tim xung huyết nặng, hoặc có cơn đau thắt ngực không ổn định, có rối loạn nhịp tim nguy hiểm, bị hẹp van động mach chủ, bệnh phồng động mạch chủ hay mắc bệnh đái tháo đường mà đường máu rất cao chưa kiểm soát được…
Phương thức tập tốt nhất
Đa số các công trình nghiên cứu cho thấy, để đạt được những lợi ích như mong muốn, mọi người cần phải tập ít nhất 3-5 lần mỗi tuần, và mỗi lần phải tập liên tục 15-60 phút, chia làm 3 giai đoạn, bao gồm giai đoạn khởi động và giai đoạn thư giãn trước khi kết thúc kéo dài 5-10 phút, còn lại là giai đoạn tập chính (nặng) trong 20-45 phút. Cường độ tập luyện nên tăng từ từ để tránh bị chấn thương cơ bắp hoặc các tai biến về tim mạch. Cũng để góp phần hạn chế các tai biến do tập luyện, mọi người nên chọn môn thể thao mà mình ưa thích hoặc thuận tiện, và nên tập theo nhóm cùng với bạn bè hoặc gia đình.
Mặc dù thể dục thể thao có tác dụng rất tốt cho sức khỏe nhưng không thể thay thế các phương pháp điều trị dùng thuốc hoặc không dùng thuốc khác (như chế độ ăn kiêng…) và tốt nhất là nên phối hợp các phương pháp này với nhau để đạt hiệu quả cao nhất. Thực tế cho thấy, cũng giống như khi thay đổi các hành vi, thói quen khác, làm thế nào để mỗi người có thể bắt đầu và duy trì được việc tập luyện thể dục thể thao đều đặn không phải là điều dễ dàng. Các thầy thuốc và chuyên gia y tế, bạn bè, người thân… phải luôn động viên, khuyến khích người bệnh rèn luyện sức khỏe và làm sao để việc tập thể dục trở thành thói quen hàng ngày.
Th. sĩ NGUYỄN QUANG BẢY (Khoa Nội tiết – ĐTĐ, BV. Bạch Mai)