Dưới góc độ số học, những con số trên khá phù hợp với logic “kỳ hạn dài thì lãi suất phải tăng”, nhưng phía sau đã lấp ló mâu thuẫn.
Trước hết, trong quý 2 và đầu quý 3, thanh khoản của hệ thống rất tốt. Điều này thể hiện ở nhu cầu giao dịch qua OMO ở mức độ vừa phải, lãi suất thị trường biến động trong sự ổn định. Nhưng đến tháng 8 và đầu tháng 9, lãi suất OMO có xu hướng ngang bằng và có thể tiến tới mức cao hơn lãi suất liên ngân hàng có cùng kỳ hạn.
Một câu hỏi đặt ra ở đây, vậy thì sử dụng OMO khi nào? Chắc chắn câu trả lời ở thời điểm hiện tại là ngân hàng phải đẩy hết vốn khả dụng trong giới hạn cho phép ra thị trường rồi mới giao dịch trên OMO để lấy nguồn tiếp tục kinh doanh.
Trong khi đó, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần 7%/năm, 2 tuần 7,5%/năm, 1 tháng là 8%/năm thì trên OMO kỳ hạn 2 tuần cũng 7,5%/năm và 1 tháng cũng 8%.
Như vậy, nếu giao dịch OMO ở lúc này, ngân hàng không những không có lãi mà còn lỗ. Giả định muốn có lãi 0,5%/năm trong trường hợp giữ nguyên kỳ hạn (để loại bỏ rủi ro kỳ hạn) thì ngân hàng phải đẩy cao lãi suất cho vay 2 tuần lên 8%/năm và 1 tháng là 8,5%/năm. Như thế, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bị đẩy cao thêm 0,5%/năm.
Thêm vào đó, trước đây, Ngân hàng Nhà nước duy trì kỳ hạn OMO 1 tuần lãi suất 7%/năm, thì bây giờ, Ngân hàng Nhà nước đã bỏ kỳ hạn này mà chỉ để kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng. Nếu ngân hàng thương mại muốn giải quyết nhu cầu vốn trong một tuần thì lựa chọn không thể khác là phải vay kỳ hạn 2 tuần nhưng đã bị lãng phí một tuần (do khách hàng chỉ có nhu cầu 1 tuần).
Bản chất sinh lời của đồng vốn vay luôn phụ thuộc vào số vòng quay thì lại bị hạn chế và ngân hàng muốn bù đắp sự thiệt thòi này, chỉ còn cách đẩy lãi suất cho vay tăng lên. Vô hình trung, việc bỏ kỳ hạn 1 tuần, chỉ duy trì kỳ hạn 2 tuần trở lên đã gián tiếp đẩy lãi suất thị trường liên ngân hàng cao hơn.
Chưa kể, chức năng hỗ trợ thanh khoản tức thời cũng bị giảm sút từ việc dừng kỳ hạn 1 tuần.
Linh hoạt vì mục tiêu
Cách điều hành này cũng tác động khá tiêu cực đến giá vốn ở thị trường 1.
Thực tế, cuối tháng 8/2010, các ngân hàng chào lãi suất bình quân cho vay liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần là 7%/năm; 2 tuần: 7,5%/năm; 1 tháng từ 8%/năm – 8,5%/năm. Đến đầu tháng 9/2010, các ngân hàng đang cho vay qua đêm là 8%/năm, 1 tuần: 8,2%/năm; 2 tuần: 8,5%/năm; 1 tháng: 9%/năm.
Do thị trường 2 và thị trường 1 đều có sự liên thông nên đã tác động đến tâm lý và ứng xử của khách hàng gửi tiền ở thị trường 1. Trước đây, khách hàng đến gửi tiền và bảng lãi suất bao nhiêu họ gửi bấy nhiêu nhưng bây giờ thì không. Họ cũng tham khảo nhiều kênh và OMO là một kênh thông tin của họ. Khi lãi suất OMO có xu hướng tăng lên, họ không dại gì không thương thảo tăng giá tiền gửi ở mức có lợi nhất cho mình.
Một điểm cần đáng nói nữa là sự liên quan của lãi suất OMO với phát hành trái phiếu Chính phủ.
Gần đây, khá nhiều đợt phát hành trái phiếu Chính phủ bị thất bại hoặc khối lượng phát hành không cao do lãi suất đưa ra thấp hơn lãi suất thị trường nên ngân hàng thương mại hạn chế đầu tư. Mặc dù chức năng cơ bản của OMO là hỗ trợ thanh khoản, nhưng đồng thời, đó cũng là một kênh đầu tư của ngân hàng để bù đắp sự hy sinh một phần lợi ích khi mua chứng khoán Chính phủ.
Vì thế, khi các ngân hàng thương mại cần tiền, họ có thể mang chứng khoán của Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước lên cầm cố để mượn tiền của ngân hàng Trung ương đáp ứng thanh khoản cho mình. Đồng thời, trong hoạt động của các ngân hàng thương mại luôn có các khe hở về kỳ hạn, tạo ra độ lệch thiếu thừa nên OMO còn được coi kênh đầu tư quan trọng để ngân hàng thương mại tìm kiếm lợi nhuận khi cho vay. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước rất khuyến khích ngân hàng thương mại xây dựng cơ cấu tài sản, nguồn vốn có một tỷ trọng nhất định đầu tư vào các giấy tờ có giá này.
Tuy nhiên, sự đầu tư chỉ có lời khi ngân hàng tìm kiếm được lợi ích qua chênh lệch lãi suất của trái phiếu Chính phủ và lãi suất OMO đối với lãi suất thị trường. Hay nói cách khác, nếu lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm thì lãi suất OMO phải cao hơn lãi suất thị trường một dư địa nhất định để ngân hàng có “tí chút” lợi nhuận bù đắp.
Nhưng hiện tại, cả hai “cửa” đều bị chặn và có lẽ đó là một phần của câu trả lời vì sao gần đây các phiên giao dịch trái phiếu Chính phủ (thị trường sơ cấp) ít thành công. Xuất phát từ thực tế này, một số ngân hàng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên cơ cấu lại kỳ hạn và có sự điều chỉnh lãi suất OMO phù hợp hơn với thị trường.
Ngoài ra, quay trở lại với mục tiêu quan trọng nhất hiện nay của Ngân hàng Nhà nước là ổn định thanh khoản và giảm lãi suất, thì OMO chính là công cụ để thực hiện mục tiêu này. Vì thế, nhà điều hành nên xem xét ứng xử của mình trên thị trường OMO đã đi theo hướng này hay chưa. Nếu như cơ quan này linh hoạt hơn trong hoạt động của thị trường mở thì việc điều hành có thể sẽ đồng điệu hơn với mục tiêu.
Dù biết rằng, đó là một thách thức lớn vì lãi suất OMO ở mức nào còn phải cân đối với nhiều yếu tố khác như chỉ số CPI, kỳ vọng lạm phát, cán cân thương mại và tốc độ tăng trưởng…
Theo vneconomy