Giờ đây, ai nấy đều dùng Facebook, và rất ít người có ý định từ bỏ mạng xã hội này, bất chấp những khuyết điểm của nó. Định phát triển một mạng xã hội hoàn hảo hơn, Google sẽ làm gì?
Có tin, tháng 6 vừa qua, Google bắt đầu chạy thử nghiệm một mạng xã hội mới có tên gọi là Google Me nhằm cạnh tranh với Facebook, ngay sau khi làn sóng tẩy chay Facebook dấy lên. Rõ ràng là vẫn còn cơ hội cho những mạng xã hội mới. Tuy nhiên, Google vẫn còn phải làm khá nhiều việc, những việc mà Facebook không làm, và những việc mà Google đã từng thất bại trong quá khứ. Hãy thử xem mạng xã hội thế hệ kế tiếp có thể làm những gì.
Nhìn lại thành quả mạng xã hội của Google
Google đã rất nỗ lực để tạo nên những đột phá mới trong việc xây dựng một mạng xã hội thông qua các sản phẩm thử nghiệm của mình là Orkut, Google Buzz, và Google Wave. Mặc dù không gây ra được tiếng vang lớn, nhưng 3 thử nghiệm này của Google là những nền tảng khá tốt để Google Me có thể phát triển tốt hơn.
Không thu hút được mấy sự quan tâm ở Mỹ, song Orkut lại thành công ở một vài quốc gia khác, đặc biệt là tại Ấn Độ và Brazil. Nằm trong kế hoạch phát triển, Orkut cho phép người dùng có thể chia sẻ video và link. Nhưng không giống như Facebook, sau khi nâng cấp một số chức năng của Orkut, người dùng có thể kiểm tra được có bao nhiêu lượt người đã click, đã xem, hay đã bỏ qua phần cập nhật của mình.
Tương tự, bạn có thể kiểm soát được lượng bạn bè đã kết nối với bạn của bạn. Thậm chí, nếu muốn, bạn có thể chặn, dừng cho phép phát tán rộng rãi những gì đã gửi lên.
Orkut và Facebook đều cho phép người dùng xóa những chia sẻ. Nhưng chắc năng này của Orkut chặt chẽ hơn nhiều. Nghĩa là nếu bạn chia sẻ một hình ảnh cho bạn mình, sau đó bạn muốn xóa chúng, bạn được phép xóa hình ảnh đó trên trang nhà của bạn, và trên trang của tất cả những người bạn khác. Facebook thì không làm được điều này.
Google Buzz sau đó ra đời cũng không thành công vì rất nhiều lý do. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được rằng Buzz quá xuất sắc trong việc tạo ra một mạng liên kết hoàn chỉnh giữa các thông tin dữ liệu về địa điểm. Nếu bạn sử dụng Buzz trên ĐTDĐ, nó có thể dễ dàng ghi lại những địa điểm để bạn có thể kiểm tra lại các cuộc trò chuyện. Chức năng này được thực hiện nhờ sự kết hợp với Google Maps.
Và cuối cùng là Google Wave, mạng xã hội cho phép người dùng tạo các lời mời tham gia sự kiện, tài liệu làm việc… Người ta sử dụng nó trong mọi trường hợp, từ việc chia sẻ các thông tin cần thiết trên lớp học hay chủ trì một cuộc họp bàn trực tuyến. Tuy nhiên, đáng tiếc là Google Wave chỉ là phiên bản thử nghiệm và sẽ dừng hoạt động vào cuối năm 2010.
Vì thế mà Google Me được kỳ vọng như một phiên bản hấp dẫn hơn của mạng xã hội.
Bảo toàn thông tin cá nhân
Ai cũng biết một thực tế rằng, bảo mật cho các thông tin riêng tư là vấn đề đau đầu nhất mà Facebook phải đối mặt trong những tháng gần đây. Bạn gửi lên Facebook càng nhiều thông tin thì khả năng sếp bạn, gia đình bạn và thậm chí cả người lạ tiếp cận được những thông tin này càng cao. Đây chính là khe hở mà bất kỳ một mạng xã hội mới nào cũng có thể tận dụng để đánh bại Facebook.
Hệ thống quản lý cá nhân cần phải chặt chẽ hơn trong việc điều chỉnh hồ sơ và chức năng cho phép những ai trong cùng một mạng xã hội có thể xem những thông tin cá nhân đó. Facebook đang có một hệ thống quá phức tạp để có thể quản lý chức năng này. Hiện tại, mạng xã hội này chỉ có 3 lựa chọn cho người dùng: ‘Everyone’ – bất kỳ ai, thậm chí cả những người không có tài khoản ở Facebook cũng có thể xem thông tin; trong khi đó, ‘Friends Only’, hay ‘Just Me’ cũng chỉ có thể giữ thông tin của bạn riêng tư hơn một chút ít mà thôi. Lý do thật đơn giản, dù bạn chọn chế độ “Just me”, bạn vẫn chia sẻ các thông tin này với Facebook, và sự có mặt của một tính năng kiểu như Instant Personalization, công cụ cho phép liên kết thông tin từ Facebook sang một trang web khác mà bạn ghé thăm, bạn không thể biết được chính xác được rằng những ai đã xem thông tin cá nhân của bạn.
Mọi chuyện thậm chí còn phức tạp hơn nếu như bạn thêm vào mạng xã hội của mình những ứng dụng của một nhà cung cấp khác nữa. Chẳng ai có thể biết được các thông tin cá nhân của người sử dụng sẽ được ghi lại và làm những gì sau đó.
Games và các ứng dụng
Những ứng dụng của một nhà cung cấp thứ 3 chắc chắn là một điều không thể tránh khỏi trong bất kỳ một mạng xã hội nào. Chẳng hạn với Facebook, có thể đếm tới hàng trăm ứng dụng khác nhau như trò chơi, các cách để tô điểm cho profile của bạn, các cửa sổ thông tin… mà đôi khi những ứng dụng này cung cấp vô số những điều vô bổ.
Vì thế, nếu Google Me muốn thành công, nó phải cung cấp được các ứng dụng tốt hơn, hoặc ít ra là đỡ gây phiền nhiễu hơn, cho người sử dụng. Mới đây, Google cho biết họ đã sở hữu được Slide, một nhà chuyên phát triển các trò chơi xã hội và đã đầu tư vào Zynga (nhà cung cấp ứng dụng Farmville và Mafia Wars hiện đang có trên Facebook). Google cũng khẳng định, các games xã hội phải nằm trong chiến lược phát triển ứng dụng của toàn hệ thống.
Quản lý nhóm
Những người sành nhạc thích MySpace, những người thất nghiệp thích đến với LinkedIn, nghĩa là mỗi người đều có một lựa chọn riêng cho sở thích của mình. Đó là lý do tại sao những mạng xã hội này được thiết kế ra để thu hút những người có cùng sở thích lại với nhau. Đấy cũng là lý do Facebook ban đầu hướng đến đối tượng là giới học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, trong việc tổ chức thành viên dựa trên sở thích của họ, có vẻ như Facebook không thành công như mong đợi. Người dùng có thể gửi tin nhắn cho cả một nhóm hay bắt đầu khởi xướng một chủ đề để bàn luận, nhưng các thông tin của nhóm lại không được hiển thị trong phần thông tin phản hồi mới nhất; do đó nhiều người bị lạc đường mỗi khi xem các thông tin nhóm kiểu này. Dễ thấy chức năng “Facebook Group” hầu như không đạt được mục đích liên kết, và nó cũng đã bị bỏ đi.
Chắc chắn những “tín đồ” của mạng xã hội còn nhớ đến Tribe.net và Ning là hai ví dụ điển hình trong việc tổ chức các nhóm có chung những sở thích đặc biệt. Tribe cho phép người dùng tạo một hồ sơ và thêm bạn với cùng sở thích, cũng giống như Facebook. Nhưng trong trường hợp đó, Tribe còn có thể gợi ý cộng đồng này tham gia vào một số hoạt động thông qua một vài kế hoạch để kết nối tốt hơn trong phạm vi nhóm.
Trong khi đó, Ning lại cho phép người dùng tự tạo những mạng xã hội nhỏ hơn dựa trên chính những gì họ mong muốn. Mặc dù chức năng này khá ít được sử dụng, nhưng đó là điều Google Me có thể tận dụng để hỗ trợ cho việc tổ chức và quản lý các nhóm cộng đồng trong mạng xã hội của mình.
Trao tay người dùng
Trong tương lai, việc cho phép người dùng cá nhân hóa đến mức tối đa các chức năng, như thay đổi giao diện, nội dung và cập nhật thông tin là một xu thế rộng mở đối với bất kỳ một mạng xã hội nào. Trong khi MySpace đã từng cho phép người dùng tạo hồ sơ với chức năng bảo mật cao, thì hiện tại, Facebook lại đang “đóng” những khả năng này, nghĩa là người dùng không thể thay đổi bất kỳ một thứ gì. Orkut đã từng sửa được sai lầm này bằng cách cung cấp một bộ sưu tập các chủ đề được thiết kế sẵn cho phép người dùng chọn lựa theo sở thích của họ. Tuy nhiên, giải pháp này cũng hạn chế tương đối tính cá nhân của người sử dụng.
Như vậy, đối với một mạng xã hội mới ra đời như Google Me, rất khó để có thể ngay lập tức “hạ bệ” một đối thủ lớn như Facebook. Tuy nhiên, việc tìm ra cách sửa những hạn chế còn lại của Facebook là một phương pháp để có thể có một khởi đầu tốt đẹp.
Nguồn: PC World